Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, nền kinh tế nước ta đã chuyển được từ lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu, tức là 6-7%. Mặt khác, cái gây bất ổn cao nhất là hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang được giải quyết từ từ. Mặc dù khả năng đổ vỡ mất thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đã xử lý được, nhưng cục nợ xấu vẫn còn và đang cần được giải quyết từ từ.
Từ những vấn đề trên, TS Trần Du Lịch cho rằng, kinh tế vĩ mô 2014-2015 chắc chắn sẽ được ổn định. Hiện nay cần tập trung tái cơ cấu đầu tư, hệ thống ngân hàng thương mại và tổng công ty Nhà nước. Nếu 2 năm tới làm tốt việc tái cơ cấu này, sẽ tiến tới tái cấu trúc toàn bộ kinh tế.
Riêng vấn đề thị trường bất động sản, nhiều câu hỏi đặt ra có nên cứu thị trường bất động sản không? TS Trần Du Lịch cho hay: “Nhà nước, Chính phủ không thể cứu thị trường và cũng không nên cứu thị trường này. Chính phủ, nếu tốt lắm là làm vai trò “bà đỡ”, còn để thị trường “tự đẻ”, tự điều chỉnh”.
Bởi TS Trần Du Lịch phân tích: Trong kinh tế thị trường, Chính phủ và Nhà nước trong vai trò “bà đỡ”, làm giỏi vai trò này là tốt rồi, không thể làm thay bà mẹ để “đẻ” được, cái này là của thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ có nhiều chính sách để hỗ trợ, đóng vai trò “bà đỡ”.
Ví dụ, vai trò “bà đỡ” của Chính phủ thể hiện, thứ nhất qua sự hỗ trợ về thuế, Quốc hội đã ban hành một loạt luật để miễn giảm thuế áp dụng từ 2014 (thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác).
Thứ hai, để kích thị trường, tăng thu chi, tăng đầu tư Quốc hội đã quyết bổ sung trái phiếu chính phủ 170.000 tỷ trong các năm tới cùng với cái đang có để tăng đầu tư cũng là hỗ trợ thị trường.
Thứ ba, về tín dụng, tuy nghẽn nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì theo chỉ đạo Chính phủ là ưu tiên 5 lĩnh vực. Trên địa bàn Tp.HCM 2013, 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) chiếm đến gần 80% lượng tín dụng trên địa bàn. Năm 2014, 5 lĩnh vực này tiếp tục được ưu tiên hỗ trợ, hay gói 30.000 tỷ cũng là hỗ trợ.